Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Ban quản lý hồ Tây: 'Cá chết nhiều có thể do thay đổi thời tiết'

Hà Nội đang tổ chức lấy mẫu nước xét nghiệm và phun thuốc khử trùng dịch bệnh quanh khu vực cá chết ở hồ Tây.

Hiện tượng cá chết tại hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã diễn ra rải rác trong khoảng một tháng qua và  xuất hiện số lượng lớn từ chiều 8/7, tập trung ở khu vực đường Vệ Hồ, Trích Sài.
Cá chết chủ yếu là cá mè, trôi, chép, dạt vào ven hồ, bốc mùi hôi tanh.
Sáng 9/7, nhà chức trách địa phương huy động gần 100 người gồm các lực lượng công nhân môi trường, sinh viên tình nguyện, dân quân... tham gia vớt cá chết; đồng thời tổ chức lấy mẫu nước xét nghiệm và phun thuốc khử trùng, phòng chống lây lan dịch bệnh.
Chiều 8/7, cá chết nổi trắng một góc hồ Tây. Ảnh: Giang Huy
Chiều 8/7, cá chết nổi trắng một góc hồ Tây. Ảnh: Giang Huy
Ông Đỗ Hùng Vương, Phó ban quản lý hồ Tây, cho biết: “Cá chết đến nay khoảng 10 tấn. Nguyên nhân ban đầu của hiện tượng này có thể do thay đổi thời tiết đột ngột”. Cụ thể, sau đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, từ chiều 7/7, trời bắt đầu có mưa giông và sự thay đổi đột ngột đó có thể khiến cá trong hồ bị ngạt khí.
Trước đó tháng 10/2016, tại hồ Tây ghi nhận khoảng 200 tấn cá chết nổi trắng mặt hồ. Nhà chức trách đã phải cử hơn 1.000 công nhân tiến hành thu gom cá trong nhiều ngày. Sau vụ việc, toàn bộ hồ Tây đã được tiến hành xử lý để làm sạch nguồn nước và cung cấp oxi cho hồ.
Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm TP Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng.
Gia Chính

Hơn 80% bài thi Sử THPT quốc gia tại TP HCM dưới trung bình

Nhiều môn không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối, riêng Sử có hơn 80% bài đạt điểm dưới 5.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, với khoảng 28.000 thí sinh dự thi môn Sử THPT quốc gia, có 80,9 % bài có điểm dưới trung bình; 19,1% học sinh đạt điểm trên trung bình.
Số thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên) là 0,36%. Môn này không có điểm 10; duy nhất một thí sinh đạt 9,75 điểm.
Ở môn Địa, với hơn 27.000 thí sinh dự thi cũng không có điểm 10, có 3 thí sinh đạt điểm 9,5. Tỷ lệ điểm trên trung bình là khoảng 74%, giỏi gần 2%.
Trong khi đó, môn Giáo dục công dân có 19 thí sinh đạt điểm 10, tỷ lệ điểm trên trung bình là hơn 98% trong đó thí sinh đạt điểm giỏi hơn 40%.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Với bài thi Khoa học tự nhiên, môn  không có thí sinh đạt điểm 10, có 3 thí sinh đạt 9,5 điểm. Số thí sinh đạt điểm trên trung bình ở môn này là hơn 53%, đạt điểm giỏi hơn 2% trong tổng số hơn 48.000 thí sinh dự thi.
Môn Hóa với gần 50.000 thí sinh dự thi, tỷ lệ trên trung bình hơn 49%, giỏi là hơn 2%.  
Khoảng 49.000 thí sinh dự thi môn Sinh nhưng không có điểm 10, chỉ có một thí sinh đạt 9,7. Tỷ lệ học sinh đạt điểm trên trung bình môn này gần 38%, đạt điểm giỏi hơn 1%.
Môn Toán với hơn 77.000 thí sinh chỉ có một điểm 10. Số thí sinh đạt điểm trên trung bình hơn 69 %; số thí sinh đạt điểm giỏi gần 1,3 %.
Với 78.000 thí sinh dự thi, môn Văn có 5 bài đạt 9 điểm, không có điểm 10. Trong đó, 28 thí sinh có điểm liệt (dưới 1), thí sinh trên trung bình hơn 71%, thí sinh đạt điểm giỏi khoảng 0,7%.
Môn Ngoại ngữ, với hơn 69.000 thí sinh dự thi, có bài đạt điểm tuyệt đối; hơn 49% thí sinh đạt điểm trên trung bình, số thí sinh đạt điểm giỏi hơn 7, 8%.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay cả nước có hơn 900.000 thí sinh, tăng gần 60.000 so với năm trước. Số người đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp là 237.320; vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học là 642.370.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài, trong đó 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân)
Ngoại trừ Văn, các môn thi còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là khó và phân hóa hơn năm trước, đặc biệt môn Toán.
Mạnh Tùng

Lo hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam khi Mỹ-Trung đối đầu thương mại

Mỹ đánh thuế vào hàng Trung Quốc sẽ khiến sản phẩm nước này tràn vào Việt Nam, theo đánh giá của Bộ trưởng Công Thương. 

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan này vừa báo cáo Thủ tướng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam. 
Lãnh đạo ngành Công Thương cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến về mặt kinh tế, còn là cạnh tranh quyền lực, là cuộc chiến về bản quyền, công nghệ, chính sách tiền tệ... giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ không chỉ áp các biện pháp thuế, còn cả các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh. 
"Việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm nước này, gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ..., tràn vào Việt Nam", ông Tuấn Anh nêu. Vì vậy, ông cho rằng, Việt Nam cần có đánh giá kỹ những tác động từ nhiều chiều để nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức. 
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: P.V
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: P.V
6 tháng cuối năm, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) dự báo xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc các nước tăng cường áp dụng biện pháp bảo hộ khiến xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng. 
Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, thách thức với Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là hiện hữu do Việt Nam đã hội nhập, mọi biến động kinh tế thế giới đều có thể "dội vào". Theo ông, điểm khó trong cuộc chiến này là không ai biết nó sẽ kết thúc khi nào, một tháng, một năm hay lâu hơn nữa. Do đó, khó đưa ra dự báo chuẩn xác để xây dựng chiến lược, kế sách ứng phó. 
Cũng theo ông Chinh, có thể Mỹ sẽ áp dụng chính sách này đối với các nước xuất siêu sang Mỹ. "Thuận lợi hay không cần phải nghiên cứu thêm, nhưng thách thức đối với xuất khẩu là thấy rõ”, ông Chinh nói.
Giải pháp ứng phó trước mắt của Việt Nam, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu là thực hiện song song ba giải pháp như tổ chức tốt nguồn hàng; củng cố,  mở rộng thị trường xuất khẩu và khâu tổ chức xuất khẩu. 
Nếu chính trị, kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục thuận lợi và khó khăn đan xen, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018, như điện thoại và linh kiện ước đạt 50 tỷ USD, máy vi tính và linh kiện ước đạt 30 tỷ USD, dệt, may là 28,5 tỷ USD... 
Về nhập khẩu dự báo cả năm sẽ đạt 240 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu là 214,7 tỷ USD; nhóm cần kiểm soát đạt 14,8 tỷ USD... Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 27,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 18,8%...
Nguyễn Hoài